Những điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Nam Định

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 4-6-2010, về việc phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh Nam Định đã tập trung nguồn lực triển khai thực hiện Quyết định. Sau gần 9 năm, Nam Định đã đạt được những thành tựu to lớn về xây dựng nông thôn mới. Đến ngày 31-7-2019, toàn tỉnh Nam Định có 100% số xã, thị trấn và 10/10 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trở thành một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành xây dựng nông thôn mới, về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XIX đề ra.

Nam Định nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, có diện tích tự nhiên 1.671km2, dân số gần 2 triệu người và 229 xã, phường, thị trấn. Trải qua quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, Nam Định luôn tự hào là một trong những mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, nơi phát tích các vương triều Trần với hào khí Đông A rực rỡ. Nam Định là tỉnh có truyền thống hiếu học và học giỏi, 25 năm liên tục là một trong những tỉnh dẫn đầu trong bảng xếp hạng của cả nước; là một trong những địa phương được mệnh danh là mảnh đất trăm nghề, với nhiều làng nghề truyền thống, có sản phẩm rất đa dạng và tinh xảo, được người tiêu dùng ưa thích.

Phát huy các lợi thế, khắc phục mọi khó khăn, dựa vào sức dân, sáng tạo trong phương pháp thực hiện, tỉnh Nam Định đã xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt được những kết quả nổi bật gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh.

Những kết quả đạt được đáng khích lệ trong xây dựng nông thôn mới

Nhận thức rõ xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của tỉnh, vì vậy Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Nam Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ này. Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM từ tỉnh đến cơ sở được thành lập, thường xuyên được rà soát, bổ sung, kiện toàn để luôn bảo đảm số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM và cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Ban Chấp hành Đảng bộ, HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết chuyên đề, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các nghị quyết tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng NTM(1). Đây là các nghị quyết rất quan trọng, nêu rõ quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, là cơ sở để các cấp chính quyền tổ chức chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế -  xã hội nói chung và nhiệm vụ xây dựng NTM nói riêng.

Giai đoạn 2010 - 2015, HĐND, UBND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí từ ngân sách tỉnh cho các xã xây dựng NTM, theo đó, mỗi xã được hỗ trợ 8 tỷ đồng, mỗi xã điểm xây dựng NTM được hỗ trợ 10 tỷ đồng; ban hành các quy định về huy động, quản lý vốn, quản lý đầu tư xây dựng NTM, cơ chế hỗ trợ xây dựng bãi chôn lấp, xử lý rác thải, xây dựng nâng cấp chợ, trạm y tế, hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp,… Trong giai đoạn 2016 - 2020, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục ban hành các cơ chế hỗ trợ kinh phí từ ngân sách tỉnh cho các xã xây dựng NTM với mức như giai đoạn trước, đồng thời quy định mức thưởng đối với các xã, các huyện sớm về đích NTM; quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình...

Việc ban hành và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng như khen thưởng trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy phong trào xây dựng NTM rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Sau gần 9 năm triển khai đồng bộ các giải pháp, Chương trình xây dựng NTM của tỉnh đạt được kết quả to lớn, toàn diện về nông nghiệp, nông dân và phát triển nông thôn. Nhờ xây dựng NTM, đời sống kinh tế - xã hội, diện mạo nông thôn đã khởi sắc, tốc độ đô thị hóa nông thôn tăng nhanh; khoảng cách giữa nông thôn và thành thị được thu hẹp đáng kể, cơ hội tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ, phúc lợi xã hội hiện đại của người dân nông thôn được nâng lên; mở ra nhiều cơ hội khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế nông thôn.

Thứ nhất, kinh tế nông nghiệp phát triển, chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực,công nghiệp, thương mại, dịch vụ, ngành, nghề nông thôn phát triển nhanh và đa dạng.

 Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy hải sản của tỉnh giai đoạn 2010 - 2018 đạt bình quân 3,1%/năm. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy hải sản năm 2018 đạt 19.212 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2017. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tăng từ 75,6 triệu đồng năm 2010 lên 129,5 triệu đồng năm 2015 và 145,2 triệu đồng năm 2018. Cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản, giảm tỷ trọng trồng trọt. Sản xuất nông nghiệp những năm qua có bước chuyển mạnh, từ coi trọng sản lượng sang chất lượng, từ chủ yếu phục vụ tiêu dùng sang kết hợp giữa tiêu dùng với sản xuất hàng hóa gắn với quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi có truy xuất nguồn gốc bảo đảm an toàn thực phẩm. Công nghiệp chế biến nông sản có bước phát triển mới, toàn tỉnh có 590 cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, tăng 238 cơ sở so với năm 2010, trong đó có nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất, chế biến hiện đại. Cùng với phát triển sản xuất, việc phát triển thị trường tiêu thụ nông sản những năm qua được đặc biệt quan tâm, thị trường nông sản từng bước được phân khúc, kinh doanh nông sản an toàn, có truy xuất nguồn gốc. Một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được xuất khẩu trực tiếp vào thị trường châu Âu, Nhật Bản. Kết quả phát triển công nghiệp chế biến và thị trường nông sản đã góp phần tạo động lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Thứ hai, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư cải tạo, nâng cấp khá đồng bộ.

 Kết cấu hạ tầng nông thôn trong tỉnh được chú trọng đầu tư cải tạo, nâng cấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện điều kiện sống và làm việc của người dân nông thôn. Ở đây, nguồn lực đầu tư cải tạo, nâng cấp từ ngân sách nhà nước chỉ chiếm một phần (khoảng 26%); phần còn lại chủ yếu được huy động trong dân và xã hội hóa. Nhờ đó, đến nay có gần 20 nghìn công trình thủy lợi được cải tạo, nâng cấp; gần 1.000km kênh mương được kiên cố hóa; hàng nghìn ki-lô-mét đường giao thông nội đồng được cải tạo, nâng cấp. Nếu tính đến ngày 31-12-2015, nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM của các xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh là 340 tỷ đồng và đến ngày 31-12-2017 là 233 tỷ đồng, thì đến ngày 31-12-2018, hoàn toàn không còn nợ đọng. Kết quả nêu trên khẳng định sự cố gắng của hệ thống chính trị và nhân dân Nam Định trong quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.

Thứ ba, phát huy vai trò của người dân, lấy dân làm chủ thể, dựa vào sức dân.

Những kết quả nổi bật trong xây dựng NTM của tỉnh Nam Định 9 năm qua đều có sự đóng góp rất to lớn của người dân. Người dân nông thôn Nam Định đã có những chuyển biến rất lớn và sâu sắc về tư duy, nhận thức đến trách nhiệm và hành động, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành sớm nhiệm vụ xây dựng NTM. Người dân tham gia xây dựng NTM chủ yếu qua 5 hình thức: Tham gia ý kiến vào quy hoạch và đề án xây dựng NTM cấp xã; tham gia lựa chọn những công việc cần làm trước, làm sau vừa thiết thực với người dân, vừa phù hợp với khả năng, điều kiện của địa phương; quyết định mức đóng góp trong xây dựng các công trình công cộng của thôn, xã; cử đại diện tham gia quản lý và giám sát các công trình xây dựng; tổ chức quản lý, vận hành và bảo dưỡng các công trình sau khi hoàn thành.

Các kết quả trong từng nội dung xây dựng NTM đều thể hiện rõ nét sự đóng góp to lớn của người dân: Từ năm 2011 đến tháng 6-2019, tổng số vốn huy động của toàn tỉnh để thực hiện Chương trình xây dựng NTM đạt 21.920 tỷ đồng (chưa tính giá trị giải phóng mặt bằng các công trình người dân hiến đất, góp đất và tự nguyện tháo dỡ công trình không nhận tiền đền bù). Ngoài ra, các thành phần kinh tế, các hộ dân huy động gần 86.000 tỷ đồng vốn tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm... Thông qua “dồn điền, đổi thửa” đất nông nghiệp và phong trào giải phóng mặt bằng theo cơ chế xây dựng NTM để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, các công trình phúc lợi,... các hộ nông dân đã góp 2.897ha đất nông nghiệp và hiến 206ha đất thổ cư (trị giá khoảng 7.000 tỷ đồng).

Diện mạo nông thôn của tỉnh khởi sắc rõ nét nhất trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, với tiến độ, số lượng các địa phương được công nhận đạt chuẩn NTM tăng mạnh, nhiều mục tiêu quan trọng về xây dựng NTM sớm hoàn thành ngay trong năm 2018. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp đồng bộ theo quy hoạch, kết nối với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp, điều kiện sống và làm việc của người dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tăng từ 12,7 triệu đồng/ năm 2010 lên 35 triệu đồng/năm 2015 và 45 triệu đồng/năm 2018. Các lĩnh vực giao thông, điện, nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân được đáp ứng đầy đủ. Hệ thống thông tin, truyền thông phát triển nhanh và đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn tiếp cận tri thức mới, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều địa phương trong tỉnh thực sự trở thành miền quê đáng sống, được nhiều địa phương trong cả nước tới tham quan, học tập. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao... tiếp tục phát triển. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn và phát huy. Các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển rộng khắp. Ý thức cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, các hoạt động nhân ái, từ thiện tiếp tục được khơi dậy và lan tỏa. Công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân ngày càng được quan tâm.

Những thành tựu đạt được trong xây dựng NTM ở Nam Định nhận được sự hài lòng cao của người dân. Kết quả giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nam Định cho thấy, người dân được hỏi đều rất hài lòng với kết quả xây dựng NTM. Chương trình xây dựng NTM ở Nam Định thực sự trở thành chương trình của người dân, vì cuộc sống của người dân nông thôn. Người dân vừa là chủ thể, vừa là động lực, vừa là nguồn lực sáng tạo trong xây dựng, tổ chức đời sống và thụ hưởng các thành quả xây dựng NTM.

Thứ năm, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.

 Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, do vậy Nam Định đã gắn kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị. Các ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đều có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia xây dựng NTM; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố để triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM một cách hiệu quả.

Hệ thống chính trị các cấp được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả. Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được thực hiện thực chất hơn. Đội ngũ cán bộ cơ sở được chuẩn hóa, có đủ năng lực và quyết tâm cao trong chỉ đạo, thực hiện Chương trình xây dựng NTM và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Công tác đào tạo nâng cao năng lực cán bộ làm công tác xây dựng NTM ở các cấp được quan tâm. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho trên 27.282 lượt cán bộ, công chức xã; tổ chức trên 400 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về xây dựng NTM cho trên 33.000 lượt cán bộ làm công tác xây dựng NTM từ tỉnh đến cơ sở.

Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; công tác tiếp dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân được chỉ đạo quyết liệt; an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội được bảo đảm. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đạt kết quả tích cực, bảo đảm an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị quan trọng được tổ chức trên địa bàn tỉnh.

Một số bài học trong xây dựng nông thôn mới

Qua tổng kết và đúc rút kinh nghiệm, Nam Định rút ra, có 2 yếu tố được coi là then chốt nhất mang lại sự thành công trong quá trình xây dựng NTM ở Nam Định. Đó là sự vào cuộc quyết liệt, sáng tạo của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và làm thật tốt công tác định hướng, vận động nhân dân đồng thuận tham gia xây dựng NTM, trên quan điểm: Xây dựng NTM chính là làm cho người dân và vì người dân nông thôn. Người dân được xác định vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, vừa là đối tượng được thụ hưởng khi xây dựng NTM theo phương châm “Dân cần - dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra - dân hưởng thụ”.

So với câu “Dân biết - dân bàn - dân làm  - dân kiểm tra” trong phương châm chỉ đạo, Nam Định đã bổ sung thêm 2 cụm từ “Dân cần”  “Dân hưởng thụ” ở đầu và cuối câu. Đây chính là điểm đặc sắc của Nam Định, là sự tổng kết cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Từ đây, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Nam Định nhận thấy: Tiến độ xây dựng NTM chỉ được đẩy nhanh, đẩy mạnh khi tư tưởng, nhận thức của người dân được thông suốt, rằng xây dựng NTM chính là vì họ và gia đình, miền quê đáng sống của chính mình thì họ mới nhiệt tình hưởng ứng và hăng hái tham gia. Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trên Báo Sự thật năm 1949 về dân vận: “Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”.

Từ thực tiễn triển khai thực hiện tốt phương châm này, Nam Định đã thực hiện thành công hàng loạt các công việc lớn, việc khó, có tính đột phá trong quá trình xây dựng NTM, như:

Một là, công tác  dồn điền, đổi thửa.

Nam Định đã vận động hiệu quả các hộ nông dân đồng thuận thực hiện công tác “dồn điền, đổi thửa”, tập trung, tích tụ ruộng đất. Để thực hiện tốt nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng NTM, Nam Định xác định “dồn điền, đổi thửa” là công việc khó, phức tạp, nhưng là một khâu quan trọng, mang tính quyết định. Do vậy, ngay từ năm 2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về “dồn điền, đổi thửa” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Đến hết năm 2015, có 2.976/2.986 thôn, đội hoàn thành việc “dồn điền, đổi thửa”, đạt tỷ lệ 99,7%. Sau “dồn điền, đổi thửa”, hiệu quả to lớn được tạo ra. Các địa phương đã dồn gọn được quỹ đất công ích theo quy hoạch xây dựng NTM và hình thành được các cánh đồng mẫu lớn. Thông qua “dồn điền, đổi thửa”, các cấp ủy, chính quyền đã vận động các hộ gia đình và nhân dân tự nguyện hiến, góp hàng nghìn héc-ta đất nông nghiệp để chỉnh trang, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng và các công trình phúc lợi. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất của người dân và doanh nghiệp, “dồn điền, đổi thửa” là bước mở đầu quan trọng cho các phong trào xây dựng NTM rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh.

Hai là, vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, góp đất, tháo dỡ công trình, bàn giao mặt bằng để thi công các công trình kết cấu hạ tầng.

Nam Định đã vận động được hàng nghìn hộ dân tự nguyện hiến đất, góp đất, tháo dỡ công trình, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công các công trình đầu tư cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng. Bài học này xuất phát từ cách làm của huyện Nghĩa Hưng vào năm 2012, khi được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng để đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình giao thông. Cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Nghĩa Hưng đã có cách làm sáng tạo, đó là vận động 100% số hộ dân tự nguyện hiến đất, góp đất, tháo dỡ công trình để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Cách làm này mang lại rất nhiều lợi ích, vừa tiết kiệm được chi phí giải phóng mặt bằng, giảm giá thành đầu tư, vừa đẩy nhanh được tiến độ thi công và đặc biệt là không có khiếu kiện của người dân. Thấy được kết quả tích cực từ cách làm này của huyện Nghĩa Hưng, Nam Định đã áp dụng mô hình này ra toàn tỉnh. Kể từ đó đến nay, hầu hết các công trình đầu tư cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh không phải bỏ chi phí giải phóng mặt bằng (Nam Định gọi đây là giải phóng mặt bằng theo cơ chế xây dựng NTM). Nhờ đó, toàn bộ các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và giao thông nông thôn đến nay đã cơ bản hoàn thành việc đầu tư cải tạo, nâng cấp. Bộ mặt nông thôn đã đổi thay rõ rệt.

Ba là, đẩy mạnh công tác xã hội hóa các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.

Nam Định là một tỉnh có nguồn thu ngân sách không lớn, nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước thì chắc chắn sẽ không hoàn thành được mục tiêu xây dựng NTM. Đây là bài toán khá nan giải khi tỉnh mới bắt đầu thực hiện mục tiêu xây dựng NTM. Với cách thức vừa học, vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm, vừa tổng kết thực tiễn, Nam Định đã sớm đề ra quan điểm: Xây dựng NTM trước hết phải xuất phát từ việc khai thác nội lực, từ chính cộng đồng dân cư, với phương châm “Người dân là chủ thể xây dựng NTM; nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Các xã, thị trấn, các thôn, đội và người dân nông thôn phải chủ động trong xây dựng NTM, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Quan điểm này sau khi được thông qua đã nhận được sự ủng hộ cao của người dân và con em quê hương trong việc huy động các nguồn lực cho xây dựng NTM. Tính đến tháng 7-2019, tổng các nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM của tỉnh đạt gần 22.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chỉ chiếm khoảng 26%, còn lại là các nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Nam Định đã thực hiện tốt công tác vận động nhân dân tham gia xây dựng môi trường sinh thái nông thôn. Xuất phát từ cách làm của Hải Hậu - một trong những huyện được công nhận đạt chuẩn NTM đi đầu trong cả nước là xây dựng mô hình “Nhà có số, phố có tên; đường có điện, có hoa; sông không rác; cán bộ chuyên cần; nhân dân đồng thuận”, đến nay Nam Định đã nhân rộng mô hình này thành phong trào rộng khắp trên địa bàn nông thôn. Hàng loạt các con đường được các cấp hội, đoàn thể và nhân dân trồng hoa ven đường. Hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn được nhân dân đóng góp đầu tư hệ thống đèn đường chiếu sáng; 100% số xã, thị trấn có các nhà đầu tư đã và đang xây dựng các nhà máy nước sạch; 100% số xã, thị trấn đều có lò đốt rác sinh hoạt. Các dòng sông và kênh mương thường xuyên được dọn dẹp rác thải, dần bảo đảm được dòng chảy và chất lượng nước. 

Trong quá trình xây dựng NTM, Nam Định đã chủ động vận động chức sắc, chức việc các tôn giáo, cùng với các tín đồ và nhân dân tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng NTM và bảo vệ môi trường”. Điển hình là Giám mục Bùi Chu cùng hàng trăm linh mục, chức sắc, chức việc và hàng nghìn giáo dân đã cùng với các địa phương tổ chức các đợt vệ sinh môi trường tại các khu dân cư. Đến nay, phong trào này được nhân rộng sang các chức sắc, tín đồ các tôn giáo khác.

Năm là, chú trọng tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

 Cùng với việc vận động nhân dân hiến đất, góp đất xây dựng kết cấu hạ tầng, Nam Định tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong việc dành quỹ đất để xây dựng các khu đô thị trung tâm, các thị trấn, thị tứ, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề nông thôn với mục tiêu tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân ngay trên mảnh đất quê hương mình, như tiền nhân vẫn nói: “Ly nông, bất ly hương”. Từ khi xây dựng NTM đến nay, Nam Định đã đưa và phát triển được trên 5.000 doanh nghiệp về địa bàn nông thôn. Từ năm 2016 đến nay, hằng năm, thu ngân sách từ nguồn bán đấu giá đất ở các khu đô thị mới thuộc trung tâm các thị trấn, thị tứ bình quân trên 2.000 tỷ đồng/năm. Đây là một trong những nguồn lực quan trọng cho xây dựng NTM. Chính vì vậy, đến nay số hộ có thu nhập ngoài nông nghiệp ở nông thôn chiếm tỷ lệ trên 80%; thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tăng 3,5 lần so với trước khi xây dựng NTM; khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn  chỉ còn 1,35 lần; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%.

Tỉnh Nam Định xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái. Xây dựng NTM tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhân dân. Xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, các tiêu chí NTM phải không ngừng được củng cố, nâng cao về chất và bảo đảm tính bền vững. Thời gian tới, tỉnh Nam Định tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng thí điểm mô hình NTM kiểu mẫu “Sáng - Xanh  - Sạch - Đẹp để phát triển bền vững” ở huyện Hải Hậu; đồng thời thực hiện các nội dung Bộ Tiêu chí xã NTM nâng cao và xây dựng NTM kiểu mẫu, góp phần xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh, nông thôn Nam Định là những miền quê đáng sống, yên bình./.

 


image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1