Thị trấn Quất Lâm – Một địa danh mang dấu ấn suy tưởng của người đi mở đất
Quất Lâm là địa danh cuối cùng của huyện Giao Thủy trên bờ biển giáp với Hải Hậu. Quất Lâm ngày nay là một trong hai thị trấn sầm uất của huyện Giao Thủy (Quất Lâm và Ngô Đồng), một trong hai bãi tắm đẹp, nằm trên bờ biển Nam Định có nhiều du khách đến nghỉ mát, tắm biển.
Gần 400 năm trước, một vùng đất do phù sa sông Hồng ở phía Đông và sông Sò ở phía Tây bồi đắp, tạo thành hai cồn cát chạy ngang từ Đông sang Tây mà nay vẫn còn vết tích. Đó là đường Cồn trong (nay là ranh giới giữa xã Giao Lâm và xã Giao Thịnh) và cồn cát thứ hai là con đường chạy suốt từ xóm Lâm Tiên tới xóm Lâm Hòa. Người xưa truyền lại rằng trên hai cồn cát này mọc đầy những cây quất dại. Khi ấy người đến khẩn đất cho rằng thổ ngơi nơi đây hợp với cây quất, nên họ chở theo những bè quất cả quýt ăn quả, lẫn quýt cảnh (kim quất) từ phía thượng lưu về đây trồng cấy. Vào một sớm vừa tỉnh giấc dân ấp đã thấy những bè quất đậu trên sông thành cả rừng quất đỏ rực, kể từ đó người đến mở đất đặt tên cho địa danh của mình khai khẩn là “Quất Lâm”. Địa bạ xứ Sơn Nam có thêm một địa danh mới: Quất Lâm.

Theo các thần phả, tộc phả hiện còn lưu truyền ở địa phương cho biết thủy tổ đến đây mở đất có bốn dòng họ: Trần, Cao, Nguyễn, Phạm. Đây là những dòng họ đầu tiên có người đến đây sinh sống. Trên thượng lương của một ngôi đình còn ghi rõ: “Tân Tỵ Dương Hòa khai tân thổ. Duy Tân Ất Mão phục trùng tu”. Như vậy là vào năm Tân Tỵ (1641) niên hiệu Dương Hòa đời vua Lê Thần Tông, con người đã chính thức đến đây khai hoang dựng nhà, lập ra một vùng quê mới bên cửa sông Sò nay là đất Quất Lâm. Quất Lâm ngay từ buổi đầu đã hình thành hai ấp đó là Quất Chử nghĩa là bãi quất và Lạn Môn nghĩa là nơi cửa sông sáng sủa. Quất Lâm bãi đất quất nơi cửa sông trong sáng. Đến từ đường họ Quý còn đôi câu đối càng làm cho ta sáng tỏ điều này, câu đối:

Phiên âm

Lạn Môn cựu bối ân ba lẫm
Quất Chử tân bồi đức thụ cao

Tạm dịch:

Cửa Lạn Môn xưa sóng ân đức dồi dào
Bãi Quất Chử nay đắp công đức thêm cao

(Chùa Phúc Lâm - Ảnh Văn Tài)

Theo tộc phả, gia phả của bốn dòng họ hiện diện đầu tiên ở đất này thì trong buổi đầu đến đây khai phá, người còn thưa thớt, phân bố rải rác từ Quất Chử đến Lạn Môn. Đến năm Canh Ngọ đời Lê Cảnh Hưng thứ 10 (1750) khi Giao Thủy lập tổng Hoành Nha thì làng Quất Lâm vẫn là hai ấp Quất Chử và Lạn Môn. Phù sa bồi đắp dần, dân ở các miền trên của Sơn Nam Hạ thấy nơi đây dễ làm ăn sinh sống mới đến sinh cơ lập nghiệp. Từ đấy đất Quất Lâm có thêm nhiều dòng họ mới, đó là các họ được xếp đặt thành như câu đối:

Đặng, Lê, Bùi, Ngụy, Lã, Hoàng, Mai
Trương, Đỗ, Đoàn, Hà, Ngô, Đình, Vũ

 

Vào thời Minh Mạng triều Nguyễn, nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân đã nổ ra. Tại huyện Giao Thủy đất Sơn Nam Hạ có khởi nghĩa của Phan Bá Vành ở Trà Lũ rất thanh thế. Tuy về sau triều đình đánh dẹp được lực lượng chống đối, song vua quan cũng phải nghĩ tới cảnh dân chúng do sống cực khổ mà nổi dậy, nên đã cho các quan Dinh điền sứ tổ chức để dân đến khai khẩn ở các vùng đất hoang mà sinh sống, đặc biệt là các bãi bồi ven biển, ven sông. Dinh điền Uy viễn Nguyễn Công Trứ là viên quan có công trong việc khẩn hoang lập ra huyện Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình), rồi tổng Ninh Nhất (Chân Ninh sau nhập sang Hải Hậu). Ở huyện Giao Thủy, Nguyễn Công Trứ đã lập ra tổng Hoành Thu. Đây là vùng đất bãi hoang ven sông Sò được Dinh điền Nguyễn Công Trứ bắt đầu khởi lập từ 1828. Tổng Hoành Thu lập ra gồm 14 ấp, trại. Với những quy định trợ giúp cho người khai hoang của triều đình, đã thu hút thêm nhiều người đến vùng Quất Lâm khẩn đất. Các hào trưởng của tổng Hoành Nha cũng cho dân đắp đê ngăn nước, thau chua rửa mặn để mở rộng diện tích canh tác. Thế là hình thành khu thất trang gồm: Đan Hải, Đan Phượng, Thanh Khiết, Liên Trì, Văn Trì, Diên Thọ, Tiên Chưởng với địa danh hành chính là Hải Huyệt bán trang tam thôn và Hải Huyệt bán trang tứ thôn.

Những năm 30 của thế kỷ 20, khi có đông dân, chính quyền thuộc địa cho lập tổng Quất Lâm. Tổng Quất Lâm gồm: xã Quất Lâm có Thượng thôn (Quất Lâm thượng), Hạ Thôn (Quất Lâm Hạ), Thượng Bình và Nam Hải (thuộc xã Quất Lâm), cùng các trang: Đan Hải, Đan Phượng, Thanh Khiết, Liên Trì, Văn Trì, thuộc Thất Trang, rồi sáp nhập thêm Du hiếu ấp, Mộc Đức ấp của tổng Hoành Thu lập ra tổng Quất Lâm. (còn các làng Diên Thọ, Tiên Chưởng vẫn thuộc tổng Hoành Nha).

Tuy đất mới mở còn biết bao vất vả gian nan, nhưng tổ tiên khẩn đất Quất Lâm vẫn luôn nghĩ tới thuần phong mỹ tục và muốn để lại những suy tưởng của mình cho lớp con cháu mai sau qua cách đặt tên (địa danh) cho đất mới mở. Tinh hoa của truyền thống quê hương được lồng trong từng tên gọi địa danh xóm thôn. Tâm niệm để người sinh sống trên mảnh đất này mai sau luôn phải nghĩ tới là: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín trong tinh thần và những mong muốn thành đạt trong đời sống là: Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh. Các cụ khi chuẩn bị đặt tên cho các xóm của Quất Lâm đã lập thành hai vế đối như sau:

Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín
Phú Quý Thọ Khang Ninh

Từ hai vế đối này mà hình thành địa danh (tên gọi) cho 5 xóm là: 1.Nhân Phú, 2.Nghĩa Quý, 3.Lễ Thọ, 4.Trí Khang, 5.Tín Ninh.

Năm 1939 một dải cồn cát phía Tây Nam Quất Lâm giáp biển, nằm chéo cánh sẻ từ đất Hà Lạn tới miếu Quan Hoàng, trước khi chính quyền thực dân phong kiến cho khơi nắn dòng sông Sò, thì đất ấy thuộc Hà Lạn có tên là Cồn Tầu. Khi dòng sông Sò được khơi đào, nắn lại thì Cồn Tầu thuộc về Quất Lâm.

Sau Cách mạng tháng Tám tổ chức hành chính cấp tổng bị bãi bỏ, làng thôn được sắp đặt lại. 1946 lập xã Quất Lâm mới gồm 4 thôn: Quất Thượng, Quất Hạ, Nam Hải và Văn Trì. Các trang Thanh Khiết, Đan Phượng, Đan Hải, Văn Trì lập thành xã Hải Yến. Tháng 10 năm 1952 đổi xã Quất Lâm thành xã Quất Hải, còn xã Hải Yến thành Giao Yến.

1956 chia Quất Hải thành Giao Lâm và Giao Phong. Khi chia tách hai xã đã lấy đường dong từ chùa Văn Trì kéo dài thẳng ra tận bờ biển làm ranh giới. Khi xã mới Giao Lâm đã tổ chức hoạch định lại địa giới các xóm. Việc đặt tên các xóm vẫn theo truyền thống lập thành câu đối. Hai vế đối được dân làng nhất trí đưa ra là:

Hòa bình trung chính thượng hạ tân
Tiên thọ khang ninh sơn quế dũng

Nhân dân thống nhất chữ đầu trong tên của xóm là “Lâm”. Việc thống nhất tên địa danh để nhớ về tổ tiên mở đất khi xưa, rối chắp tên theo từng từ của câu đối trên là thể hiện lòng mong muốn xây dựng quê hương ngày thêm ấm no hạnh phúc. Thế là lần lượt các xóm có tên là: Lâm Hòa, Lâm Bình, Lâm Trung, Lâm Chính, Lâm Thượng, Lâm Hạ, Lâm Tân, Lâm Tiên, Lâm Thọ, Lâm Khang, Lâm Ninh, Lâm Sơn, Lâm Quế, Lâm Dũng, ứng với hai vế đối trên ra đời theo nguyện vọng của người dân để nhớ công ơn người trước.

Đất Cồn Tầu sau ngày hòa bình lập lại (1954) có thêm nhiều người đến sinh sống đã hình thành hai làng Cồn Tầu trong (trong đê) và Cồn Tầu ngoài (ngoài đê) cùng hai cánh đồng muối Cồn Tầu Đông và Cồn Tầu Tây.

Từ buổi ban đầu là xóm Quất Lâm thành làng Quất Lâm, rồi xã Quất Lâm tổng Quất Lâm, lúc tách thành xã Quất Hải, xã Giao Lâm. Bước sang thiên niên kỷ mới đã thành thị trấn Quất Lâm. Nay tuy là bãi biển, nhưng đất Quất Lâm không rộng lớn bao la chỉ với 794.41ha cùng dân số gần 10 ngàn người, mà cuộc sống ở địa danh này vẫn luôn sôi động, đổi thay. Bản sắc văn hóa nơi đây khá độc đáo bởi ngay trong truyền thống đặt tên (địa danh) cho làng xóm của mình. Nét độc đáo của phương thức đặt địa danh tên cho thôn xóm là theo vế đối được chính người dân đất này suy nghĩ để lựa chọn, lòng người luôn giữ gìn truyền thống quý báu là luôn nhớ tới cội nguồn của cha ông với ý nguyện về xây dựng cuộc sống tốt đẹp ấm no hạnh phúc. Quất Lâm cũng như nhiều vùng quê khác ở huyện Giao Thủy nhất là từ sau tháng 8 năm 1954 đã trải biết bao đổi thay trong kháng chiến, trong xây dựng hợp tác xã. Bao địa danh cổ đã đổi thay, không còn nữa. Có những xóm thôn nay đã mất tên gọi truyền thống chỉ còn là những con số tự nhiên theo thứ tự của số đội sản xuất trong một hợp tác xã. Nhưng Quất Lâm trước sau vẫn là Quất Lâm.
Nhân dân thống nhất chữ đầu trong tên của xóm là “Lâm”. Việc thống nhất tên địa danh để nhớ về tổ tiên mở đất khi xưa, rối chắp tên theo từng từ của câu đối trên là thể hiện lòng mong muốn xây dựng quê hương ngày thêm ấm no hạnh phúc. Thế là lần lượt các xóm có tên là: Lâm Hòa, Lâm Bình, Lâm Trung, Lâm Chính, Lâm Thượng, Lâm Hạ, Lâm Tân, Lâm Tiên, Lâm Thọ, Lâm Khang, Lâm Ninh, Lâm Sơn, Lâm Quế, Lâm Dũng, ứng với hai vế đối trên ra đời theo nguyện vọng của người dân để nhớ công ơn người trước.

Đất Cồn Tầu sau ngày hòa bình lập lại (1954) có thêm nhiều người đến sinh sống đã hình thành hai làng Cồn Tầu trong (trong đê) và Cồn Tầu ngoài (ngoài đê) cùng hai cánh đồng muối Cồn Tầu Đông và Cồn Tầu Tây.

Từ buổi ban đầu là xóm Quất Lâm thành làng Quất Lâm, rồi xã Quất Lâm tổng Quất Lâm, lúc tách thành xã Quất Hải, xã Giao Lâm. Bước sang thiên niên kỷ mới đã thành thị trấn Quất Lâm. Nay tuy là bãi biển, nhưng đất Quất Lâm không rộng lớn bao la chỉ với 794.41ha cùng dân số gần 10 ngàn người, mà cuộc sống ở địa danh này vẫn luôn sôi động, đổi thay. Bản sắc văn hóa nơi đây khá độc đáo bởi ngay trong truyền thống đặt tên (địa danh) cho làng xóm của mình. Nét độc đáo của phương thức đặt địa danh tên cho thôn xóm là theo vế đối được chính người dân đất này suy nghĩ để lựa chọn, lòng người luôn giữ gìn truyền thống quý báu là luôn nhớ tới cội nguồn của cha ông với ý nguyện về xây dựng cuộc sống tốt đẹp ấm no hạnh phúc. Quất Lâm cũng như nhiều vùng quê khác ở huyện Giao Thủy nhất là từ sau tháng 8 năm 1954 đã trải biết bao đổi thay trong kháng chiến, trong xây dựng hợp tác xã. Bao địa danh cổ đã đổi thay, không còn nữa. Có những xóm thôn nay đã mất tên gọi truyền thống chỉ còn là những con số tự nhiên theo thứ tự của số đội sản xuất trong một hợp tác xã. Nhưng Quất Lâm trước sau vẫn là Quất Lâm.

Sang thế kỷ 21 vào cuối năm 2003 được sự quan tâm của các cấp chính quyền, Quất Lâm được đầu tư mở khu du lịch tắm biển cùng với việc tổ chức khai thác tiềm năng kinh tế biển, nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản. Theo Nghị định 137.NĐ-CP ngày 14/11/2003 thị trấn Quất Lâm được thành lập, thị trấn lấy lại tên Quất Lâm, tên của cha ông đặt ra khi đến đây mở đất. Quất Lâm – rừng quất đẹp với biết bao tự hào bởi nó mang những dấu ấn hào hùng của biết bao thế hệ đã không tiếc mồ hôi và công sức để hình thành nên bản sắc địa danh Quất Lâm này.

                                Theo Tạp chí Văn Nhân – Hội Văn học Nghệ Thuật Nam Định





image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1